Nhiều khóa học hơn trên
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và nhu cầu năng lượng tăng cao, phát triển năng lượng bền vững trở thành vấn đề cấp bách đối với Việt Nam. Bài viết này sẽ thảo luận về những thách thức, giải pháp và tiềm năng phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam, hướng đến một tương lai xanh và an toàn cho thế hệ mai sau.
Tăng trưởng kinh tế gắn liền với nhu cầu tiêu thụ năng lượng, tuy nhiên làm thế nào để giải quyết bài toán phát triển năng lượng bền vững, giảm phát thải, bảo vệ môi trường đang là vấn đề cấp bách đối với Việt Nam.
Nhu cầu và thử thách
Phát biểu tại Hội thảo “Năng lượng bền vững - hướng tới một nền kinh tế có mức phát thải thấp” diễn ra cuối tháng 8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 15 năm qua với mức tăng trưởng năng lượng thương mại khoảng 9,5% (giai đoạn 2006 - 2010 là 13%, khoảng 11% giai đoạn 2011 - 2016) và dự báo tiếp tục tăng cao trong 15 năm tới. Tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc năm 2015 đạt khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, đến năm 2020 đạt khoảng 100 - 110 triệu TOE năng lượng sơ cấp và khoảng 310 - 320 triệu TOE vào năm 2050. Để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam hiện đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng. Dự kiến năm 2020 sẽ nhập khẩu 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát điện. Riêng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện bình quân khoảng 7,9 tỷ USD/năm.
Tăng trưởng kinh tế nhanh, gắn liền với sự gia tăng về nhu cầu năng lượng không chỉ tạo sức ép cho nền kinh tế Việt Nam về vốn đầu tư cho ngành năng lượng, mà còn vấn đề môi trường và dư luận xã hội. Phân tích của chuyên gia đã chỉ ra rằng, Việt Nam phải đối mặt với 4 thách thức lớn cho ngành năng lượng là làm thế nào để cung cấp năng lượng tin cậy, đảm bảo hiệu quả kinh tế, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu.
Giải pháp cụ thể
Để đảm bảo mục tiêu phát triển năng lượng bền vững, cũng như giải quyết những thách thức, ông Tăng Thế Hùng - Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - chia sẻ, Bộ đã đưa ra các giải pháp đồng bộ cụ thể như tiếp tục nâng cấp hạ tầng năng lượng; xây dựng kho chiến lược dự trữ xăng dầu; đẩy mạnh nghiên cứu, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên; đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo. Đồng thời, ban hành chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trong và ngoài nước; tái cơ cấu các ngành năng lượng phù hợp với thị trường cạnh tranh; áp dụng công nghệ tiên tiến bảo vệ môi trường; đưa ra chính sách từ khuyến khích, bắt buộc đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm.
Theo ông Armin Bruck - Chủ tịch, Tổng Giám đốc khu vực của Tập đoàn Siemens, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, vấn đề kỹ thuật hoàn toàn có thể giải quyết nhằm đảm bảo cung cấp năng lượng tin cậy và tối ưu hóa sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng; đồng thời giải quyết nhu cầu về khí hậu, giảm thiểu phát thải khí các-bon. Trên thực tế, có nhiều công nghệ tiên tiến của Siemens được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những giải pháp kỹ thuật, yếu tố quan trọng nhất là tháo gỡ nút thắt về giá năng lượng để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, cần tính toán hợp lý về thời gian và có lộ trình để không ảnh hưởng đến cả nền kinh tế - xã hội.
Cùng quan điểm này, ông Wolfgang Manig - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam - cho rằng, giá năng lượng ở Việt Nam còn rất thấp nên không thể thu hút các nhà đầu tư.
Đẩy mạnh phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển các dạng năng lượng như điện mặt trời, điện gió... Không chỉ có vậy, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nhấn mạnh đến ưu tiên phát triển hợp lý nguồn năng lượng tái tạo.
Như vậy, có thể nói, Việt Nam đã xác định rõ vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa hướng tới phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, chi phí phát triển năng lượng tái tạo đang ngày càng rẻ hơn, trong khi chi phí cho than - nguồn năng lượng truyền thống cho sản xuất điện - ngày càng đắt đỏ hơn. Theo một số nghiên cứu, phát triển nguồn điện mặt trời mới có thể rẻ hơn so với việc vận hành các nhà máy nhiệt điện than hiện có ở Việt Nam vào đầu năm 2022. Bởi chi phí cho than dài hạn, bao gồm cả chi phí vận chuyển, có thể tăng từ khoảng 47 USD/MWh trở lên. Ngoài ra, đầu tư năng lượng tái tạo sẽ tạo thêm 465.000 việc làm mới, tính đến năm 2030.
Trên thực tế, năng lượng tái tạo chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng năng lượng được sản xuất ra. Vì vậy, các chính sách ưu đãi về giá đối với năng lượng tái tạo là cần thiết và sẽ tạo động lực lớn cho các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Thời gian qua, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng của đầu tư nước ngoài vào các dự án năng lượng xanh, đặc biệt là dự án điện mặt trời, để được hưởng mức giá FiT-Feed-in-Tariffs ưu đãi là 9,35 cent/kWh (trong vòng 20 năm theo hợp đồng mua bán điện PPA-Power Purchase Agreement) trước khi chính sách này hết hiệu lực vào ngày 30/6/2019. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2019, tổng cộng 82 nhà máy điện mặt trcho ời có tổng công suất 4,46GW đã được kết nối với lưới điện quốc gia. Nhờ vậy, năng lượng mặt trời hiện chiếm 8,28% tổng công suất điện của Việt Nam. Đây là minh chứng việc các nhà đầu tư rất hồ hởi với chính sách ưu đãi trong đầu tư năng lượng tái tạo. Các chính sách này đã và đang thu hút, trở thành xu hướng phát triển năng lượng bền vững cho tương lai.
Tóm lại, phát triển năng lượng bền vững là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Với sự nỗ lực của chính phủ, doanh nghiệp và người dân, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu phát triển năng lượng bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hãy chung tay hành động để xây dựng một tương lai xanh, sạch đẹp cho chính chúng ta và các thế hệ mai sau.
Tài liệu tham khảo:
https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM110693